Tin tứcNgày: 30-05-2019 bởi: Nguyễn Thu Trang
Xử lý rác thải tại hộ gia đình
Rác thải sinh hoạt trong mỗi hộ gia đình luôn là vấn đề đau đầu với các bà nội trợ. Mỗi ngày trung bình mỗi người ở nông thôn thải ra 0,5 kg rác, còn ở thành phố là 1-1,5 kg. Rác chợ và rác sinh hoạt có tỉ lệ chất hữu cơ cao. Rác thành phố khoảng 55%, rác nông thôn 70-80%. Các chất hữu cơ này phải được xem là nguyên liệu có thể tái chế, tạo phân bón để trả lại cho đất, cây trồng. Ngoài chai lọ, giấy báo hoặc có thể gọi chung là rác vô cơ là có thể tái chế, còn các loại rác hữu cơ như thức ăn thừa, vỏ hoa quả, cuộng rau là vấn đề khó giải quyết nhất. Các bà nội trợ có thể vứt ra ngoài để sạch nhà mình nhưng lại gây mất vệ sinh chung, hoặc có ý thức giữ vệ sinh chung thì giữ lại trong nhà đợi đến giờ thu rác. Vấn đề phát sinh khi những loại rác hữu cơ này qua một thời gian thì nhanh chóng bị phân hủy và bốc mùi hôi thối.
Bên cạnh vấn đề rác thải thì lại đi kèm một vấn đề cũng đáng lưu tâm, đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên nhiều gia đình hiện nay đang chọn giải pháp tự trồng rau, nhằm đưa ra một giải pháp an toàn. Vấn đề nảy sinh là khâu chăm sóc rau trồng tại hộ gia đình thường được trồng trong hộp xốp, chật hẹp và nghèo chất dinh dưỡng. Điều này khiến rau trồng tại nhà thường phát triển kém và bị sâu bệnh nhiều hơn. Nhiều gia đình chọn phương án là mua phân hữu cơ về bón cho đất, nhằm tăng độ màu mỡ, nhưng bạn có chắc chắn rằng phân hữu cơ mình mua là đảm bảo sạch, không có các tác nhân gây hại trong đó.
Có một giải pháp có thể giải quyết cả 2 vấn đề trên, đó là làm phân hữu cơ từ chính nguồn rác thải hữu cơ của hộ gia đình. Giải pháp này vừa xử lý được nguồn rác thải hàng ngày trong mỗi gia đình, giảm áp lực cho xã hội trong việc thu gom, xử lý rác thải, vừa tạo được nguồn phân bón chất lượng cho chính vườn rau nhỏ của chúng ta. Ngoài ra, việc này sẽ giúp chúng ta chủ động được nguồn dinh dưỡng bón cho cây trồng, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm rau sạch tại nhà.
Tuy nhiên, việc tự làm phân bón bón hữu cơ từ phế phụ phẩm tại hộ gia đình lại phát sinh một số vấn đề như mùi hôi trong quá trình phân hủy, thời gian hoai mục lâu dẫn đến nhiều gia đình đang ngần ngại trong việc tự làm (PHC). Khó khăn này có thể giải quyết bằng việc sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm đẩy nhanh quá trình phân hủy, đồng thời làm triệt tiêu tối đa mùi hôi thối phát ra trong quá trình ủ. Trong chế phẩm vi sinh cũng có thêm các chủng vi sinh vật có lợi cho cây trồng, giúp tăng khả năng chống chịu bệnh của cây trồng. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh làm quá trình làm (PHC) đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều.
Tập trung nguồn rác thải hữu cơ hàng ngày (gốc rau, lá rau úa, cơm canh thừa sau bữa ăn, đối với canh rau cần chắt hết nước rồi mới xử lý) vào thùng nhựa khoảng 20-40 lít (lưu ý độ ẩm rác thải ở 50% độ ẩm).
Đầu tiên, rắc khoảng 40gam chế phẩm vào đáy thùng để giúp quá trình lên men và xử lý nước rác ở đây.
Hàng ngày, bỏ rác hữu cơ sau phân loại vào thùng, cứ mỗi lớp dày khoảng 5cm thì rải 1 lượng chế phẩm vừa đủ (khoảng 1 thìa canh ăn cơm) lên bên trên sau đó đậy thùng nhựa lại (có thể đậy bằng bao tải, lấy dây buộc xung quanh miệng thùng để cố định bao đậy!)
. Nếu trong quá trình ủ xuất hiện mùi hôi thì bổ xung thêm chế phẩm, để tăng hiệu quả của quá trình lên men kỵ khí cần tạo môi trường xốp cho vi sinh vật phát triển, không nên ấn chặt rác xuống
Lặp lại quy trình như trên cho đến khi đầy thùng thì để nguyên trong vòng 7 ngày, sau 7 ngày mở ra đảo trộn lại 1 lần, nếu có nước thì có thể chắt nước ra (nước này có thể tận dụng để tưới cây ngay) sau đó tiếp tục đậy và tiến hành ủ trong 7-10 ngày để hoàn thành quy trình ủ. Nguyên liệu sau khi ủ có thể còn ấm, cần để thoáng để đuổi bớt nhiệt rồi mới tiến hành bón cho cây.